Nhằm mở rộng độ bao phủ BHYT và đặc biệt là bao phủ 100% trẻ em dưới 6 tuổi, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; trong đó có một số điểm quan trọng liên quan đến bảo đảm quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi như mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh; giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh. Gia đình làm BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí tại nơi đăng kí hộ khẩu thường trú hoặc nơi khai sinh.
Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi, trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó. Theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước đóng. Vì vậy, dù chưa được cấp thẻ BHYT thì trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được hưởng quyền lợi BHYT khi khám, chữa bệnh theo quy định Luật BHYT. Tại khoản 2. Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
Hiện nay, mức hưởng BHYT dành cho trẻ dưới 6 tuổi là 100% chi phí KCB khi đi KCB đúng tuyến; 40% chi phí điều trị nội trú nếu tự đi KCB không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú nếu tự đi KCB không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí KCB nếu tự đi KCB không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến huyện.
Tại Bình Thuận việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi rất được chú trọng, Bảo hiểm xã hội đã thực hiện kết nối, liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn tỉnh qua Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp. Đến nay, đã có 124/124 xã, phường, thị trấn thực hiện. Tiếp tục triển khai tốt công tác này, BHXH tỉnh đã yêu cầu BHXH các huyện, thị xã luôn chủ động phối hợp, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp; đồng thời, vẫn thực hiện tiếp nhận và trả kết quả trên Phần mềm cổng Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Như vậy, khi cha mẹ đi khai sinh cho trẻ, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ cập nhật dữ liệu vào hệ thống để cấp Giấy khai sinh cho trẻ đồng thời chuyển dữ liệu đến cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện, thị xã để làm hồ sơ và cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ. Người đi đăng ký chỉ cần xuất trình Căn cước công dân của người đi đăng ký khai sinh; Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha, mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn. Theo quy trình này, trong vòng 9 ngày sau khi nộp đủ hồ sơ tại UBND cấp xã, phường, thị trấn có thể đến UBND cấp xã, phường, thị trấn đã nộp hồ sơ để nhận cùng lúc giấy khai sinh và thẻ BHYT cho trẻ em mà không phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần.
Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ, đó không chỉ là trách nhiệm riêng của các cơ quan chức năng mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó có trách nhiệm của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng các cháu thực hiện việc khai sinh và cấp thẻ BHYT cho các cháu. Chủ trương cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là việc làm đúng đắn và cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tất cả trẻ em được hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ miễn phí từ ngân sách nhà nước.