Trang chủ

Tin tức

Tin tức bệnh viện

Ngẫm về nghề thầy thuốc
0252 38 22 733 https://zalo.me/02523822733 https://www.facebook.com/benhviendakhoatinhbinhthuan https://maps.app.goo.gl/KEvCJRg6TgcsALyS9

Ngẫm về nghề thầy thuốc

.
Lượt xem: 175
Ngày đăng: 27/02/2016 02:44
Tôi là bác sĩ, năm nay đã gần 30 năm trong nghề, cũng trải qua nhiều trăn trở, buồn lo, tủi thân lẫn tự hào, nhân ngày 27/2 có dịp để ngẫm, cảm nhận lại thời gian qua, xin chia sẻ với mọi người trước hết là với đồng nghiệp.

Không biết ước mơ của các anh chị khi nộp đơn vào trường y như thế nào, còn tôi lúc ấy chỉ đơn giản là thích thôi, cụ thể thích như thế nào tôi cũng không thể nhớ được, chỉ còn nhớ khi ấy tôi ngưỡng mộ Giáo sư Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung, GS Trần Hữu Tước, qua các câu chuyện kể của người lớn; ngưỡng mộ màu áo Blouse trắng những khi tôi bị bệnh vậy là tôi nộp đơn thi vào trường y !

Tôi còn nhớ kỷ niệm một đêm trực tại khoa cấp cứu, chiều ấy chúng tôi tiếp nhận một gia đình gồm một bà mẹ, 3 đứa con (hai gái, 1 trai) bị hôn mê do ngộ độc khoai mì, nặng nhất là cháu trai 12 tuổi, cháu tím tái, có cơn ngưng thở, tim rời rạc. Kíp trực xin hội chẩn với trực lãnh đạo và chuyên khoa hồi sức, kết luận cháu ngộ độc khoai mì rất nặng, tiên lượng tử vong. Thấy vậy, cha cháu là một người lao động chân tay, vẫn còn mang nặng tư tưởng lạc hậu bàn bạc với hàng xóm (lúc này vợ và 2 con gái vẫn chưa tỉnh hẳn) là xin đưa cháu về để được chết tại nhà không phải làm con ma lang thang ngoài đường !. Không đầu hàng số phận, chúng tôi vận động, giải thích để người cha cùng hàng xóm đồng ý cho cháu ở lại, “còn nước còn tát”, hy vọng sẽ cứu được cháu. Những năm ấy bệnh viện còn thiếu lắm, không thuốc giải độc đặc hiệu, không máy thở, là bác sĩ trưởng tua trực tôi chỉ còn biết truyền dịch, nâng huyết áp, lợi tiểu và bóp bóng giúp thở, thỉnh thoảng lại xoa bóp tim ngoài lồng ngực khi tim đập quá chậm. Đêm ấy bệnh cấp cứu cũng đông, chúng tôi vất vả thay phiên nhau bóp bóng. Lúc đầu ai ai cũng tích cực, nhưng trời càng về khuya, bệnh nhân cấp cứu thưa thớt dần, không gian im lắng, thời điểm này bình thường mọi người đã chìm vào giấc ngủ sâu, kíp trực chúng tôi cũng đã thấm mệt…Một vài người bắt đầu so bì, tính toán, qua ánh mắt của họ tôi hiểu: …bác còn ráng giữ làm chi khi mà bệnh nhân không có hy vọng, đa số các bác sĩ khác (lâu năm hơn bác, giỏi hơn bác) đã tiên lượng tử vong rồi ! bác ôm làm chi mà hành tụi tui cực vậy nè…Tôi hiểu, tôi cho mọi người đi ngủ, còn tôi, tôi sẽ bóp bóng (nhưng cũng có 1 điều dưỡng ở lại cùng tôi chăm sóc, bóp bóng cho cháu).

Trong xã hội, khi còn phải bươn chải cuộc sống, người ta tính toán, so bì cũng dễ hiểu thôi; ai biết được, ai ghi nhận, ai trả công đúng với công sức mình bỏ ra; chẳng ai biết đó là đâu….vâng thực tế là vậy nhưng mấy ai có thể dối được lương tâm !

Tự nhiên tôi thương cháu bé một cách kỳ là, nhìn cháu bé 12 tuổi nhưng chỉ bằng chừng 8-9 tuổi, đenvà rắn rỏi; cháu hôn mê vì sáng hôm ấy đi chăn bò, gặp cây khoai mì mới mọc sau cơn mưa đầu mùa, đào lên được củ mì rất to, mừng quá ôm củ mì chạy một mạch về nhà kêu to chị Hai ơi, chị hai ơi, tí Út ơi ra mà xem nè… Từ sáng đến giờ đã có gì ăn đâu, có củ mì to là hạnh phúc lắm, ai nấy mắt sáng lên,thèm thuồng, người chị nhanh chóng bắc xoong lên luộc rồi cả 3 chị em cùng ăn. Sao đắng quá chị Hai ? - bé út hỏi, Ráng ăn đỡ đói đi Út- người chị động viên. Đắng quá đứa gái út ăn không nổi, cũng ráng được vài miếng. Người chị phần thấy đắng, phần thương em trai tuổi đang lớn háu ăn nên nhường hết cho em. Một lát người mẹ về các con cùng nhanh nhảu mời mẹ ăn !. sau đó cả nhà hôn mê, chiều người cha đi làm ruộng về mới tá hỏa cùng hàng xóm chất cả 4 mẹ con lên xe lam chở xuống bệnh viện cấp cứu

Nhìn mà thương thằng bé ghê, nó như thằng Út trong nhà mình vậy!, không hiểu sao tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng chắc chắn cháu sẽ sống, cháu phải sống.

Chúng tôi tiếp tục hồi sức, bóp bóng, xoa bóp tim … và có đôi lần tôi nhắc cô Y tá có vẻ ngủ ngục. Và rồi ông Trời đã hiểu, số phận đã chịu hàng, cháu bé bắt đầu cử động tỉnh dần, và khi cháu nói được câu Nước ! Nước !. Ôi, điều kỳ diệu đã xảy ra ! không ai tin mắt mình nữa… chúng tôi nhìn nhau, cha cháu nhìn chúng tôi nhưng ông không nói được lời nào… chỉ có những giọt nước mắt; lồng ngực tôi như trào lên, có cái gì đấy cứ nghẹn nghẹn nơi trong cổ; cha cháu bé quỳ xuống và nắm tay tôi, tôi ngồi xuống và nắm lấy tay ông, đôi bàn tay chai sạn !

Sau này tôi nghĩ nếu tôi cứ đồng ý với một vài đồng nghiệp, thậm chí nếu tôi không chịu được áp lực của đồng nghiệp, nếu tôi cứ chấp nhận nguyện vọng của gia đình, nếu tôi cũng chặc lưỡi: cháu nặng quá chúng tôi cũng đã thực sự hết sức rồi, không còn cách nào cứu cháu nữa, mong gia đình thông cảm, nếu như …nếu tôi cứ làm như vậy thì tôi vẫn được đồng nghiệp tin yêu, tín nhiệm, vẫn được gia đình cảm ơn, biết ơn vì đã tận tình cứu chữa…Nhưng cứ nếu như thế thì sẽ ra sao ?

Tháng năm trôi qua, trăn trở với người bệnh, buồn vui, hỉ nộ ái ố đều có đủ; có những lúc tôi tưởng mình như một thiên thần, cũng có những lúc tôi thấy mình thật bất tài, dốt nát đứng bó tay bất lực nhìn người bệnh chầm chậm ra đi, nhìn người ở lại mà xót thương. Tại sao, tại sao vậy, tại sao ta lại không thể làm được điều này… tại sao và tại sao …Làm riết đâm ra mê, mê rồi mới cảm nhận, mới gắn bó với nghề, mới ngẫm nghĩ, cảm thông và chia xẻ thực lòng với người bệnh.

Tôi hạnh phúc có người mẹ suốt đời chỉ biết cho con mà không đòi hỏi, vậy mà mẹ vẫn thấy chưa đủ, chỉ sợ con thiếu; mẹ chẳng mong điều gì cho bản thân mình, ngày đêm sáng tối chỉ biết đến con, tất cả cũng vì con; con cười là mẹ thấy vui rồi, lúc con đau mẹ chỉ mong đổi cái đau ấy để mình mẹ chịu…Ôi người mẹ của chúng ta ! Tôi thấm thía lời dạy của Bác “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.

Đã theo nghề thầy thuốc thì phải toàn tâm toàn ý, với tôi nghề thầy thuốc là nghề cao quý nhất, thiêng liêng nhất, không giống với tất cả các nghề khác. Trước hết tôi cần rèn cái Tâm, Tâm phải sáng, phải luôn sáng, và nữa Trí phải tinh thông, tay nghề phải điêu luyện… Tôi còn nhớ lời khuyên của thầy Phạm Mạnh Hùng: nếu ai muốn làm kinh tế thì không nên chọn ngành y, lời khuyên ấy rất đúng. Tôi thì luôn nghĩ một cách đơn giản: cứ làm tất cả với lương tâm của mình, bạn sẽ có tất cả !

Xin vài dòng chia sẻ cùng mọi người và các anh chị đồng nghiệp nhân ngày “Thầy thuốc Việt Nam”.

                                                                                  BS Vũ Cao Thiện

Bài viết cùng loại